THỂ LỆ HỘI THI SÁNG TẠO KỸ THUẬTTỈNH AN GIANG LẦN THỨ X (2016-2017)

Điều 1. Mục đích, ý nghĩa

Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ X (2016-2017) nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo của toàn dân, đặc biệt quan tâm phong trào tuổi trẻ sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, nghiên cứu khoa học tại An Giang, phát huy sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học vào sản xuất và đời sống; tôn vinh các tập thể, cá nhân có giải pháp hữu ích, đề tài nghiên cứu khoa học, công trình sáng tạo đem lại lợi ích thiết thực cho từng đơn vị, cơ quan, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh An Giang.

Điều 2. Cơ quan tổ chức

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì phối hợp với: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học An Giang, Hiệp hội Doanh nghiệp, Báo An Giang và Đài Phát thanh-Truyền hình An Giang tổ chức. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật là cơ quan Thường trực tổ chức Hội thi.

Điều 3. Đối tượng dự thi

3.1. Cá nhân đứng tên dự thi:

Mọi cá nhân người Việt Nam ở trong nước và cá nhân người nước ngoài đang đầu tư, nghiên cứu khoa học, làm việc, sinh sống tại tỉnh An Giang, không phân biệt lứa tuổi, thành phần dân tộc, nghề nghiệp, là người tạo ra giải pháp kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh (tác giả giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học) đều có quyền dự thi với tư cách cá nhân.

Người dự thi có thể thi theo cá nhân hoặc nhóm, tập thể (trường hợp có nhiều tác giả tham gia nhưng được ghi trong phiếu dự thi tối đa 03 tác giả có đóng góp nhiều nhất đối với sản phẩm, giải pháp dự thi.

3.2. Tổ chức đứng tên dự thi:

Mọi tổ chức đã được cấp phép hoạt động theo pháp luật Việt Nam, đã đầu tư nhân lực, kinh phí, trang thiết bị để tạo ra giải pháp kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học áp dụng có hiệu quả tại An Giang. Người trực tiếp tham gia sáng tạo ra giải pháp, đề tài được tổ chức cử đứng tên dự thi sẽ là tác giả giải pháp, đề tài dự thi.

Mỗi cá nhân, tổ chức có thể tham gia dự thi nhiều giải pháp, đề tài.

3.3. Các cá nhân, tổ chức có các giải pháp, đề tài đã đoạt giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ rồi thì không được tham gia Hội thi.

Điều 4. Lĩnh vực dự thi

Tất cả các giải pháp sáng tạo kỹ thuật, các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, đời sống, kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng đều có quyền tham gia Hội thi. Các giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học dự thi đăng ký theo 07 lĩnh vực sau đây:

4.1. Công nghệ Thông tin, điện tử, viễn thông:

- Sáng tạo phần mềm phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội;

- Sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị điện, điện tử, thiết bị viễn thông phục vụ thông tin liên lạc (thay thế hàng ngoại nhập);

- Các mô hình ứng dụng tin học trong phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh An Giang…

4.2. Lĩnh vực cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải:

- Sản xuất các thiết bị, phụ tùng, chi tiết máy thay thế hàng ngoại nhập;

- Chế tạo, cải tiến máy móc, thiết bị sử dụng trong các ngành kinh tế kỹ thuật (nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, thủy lợi, chế biến thủy sản, y tế, xử lý môi trường...);

- Các dây chuyền lắp ráp tự động phục vụ sản xuất…

4.3. Lĩnh vực vật liệu, hóa chất, năng lượng:

- Kỹ thuật xử lý môi trường, các giải pháp sử dụng và tiết kiệm năng lượng; chế biến, bảo quản và tổng hợp các hóa chất;

- Quy trình công nghệ sản xuất các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn cho tôm, cá và gia súc;

- Quy trình công nghệ sản xuất vật liệu mới.

4.4. Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp - tài nguyên và môi trường:

- Quy trình kỹ thuật hoặc các giải pháp kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học trong sản xuất giống lúa, bắp, rau, đậu, cây con nhằm tăng năng suất, chất lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản, hoặc cải tiến kỹ thuật nhằm giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường;

- Các giải pháp sử dụng tài nguyên thiên nhiên khoáng sản (cát, đất, đá,...) có hiệu quả kinh tế và khai thác hợp lý để bảo vệ môi trường;

- Các mô hình thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp; các giải pháp tái chế chất thải.

4.5. Lĩnh vực y dược:

- Giải pháp kỹ thuật trong sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn quốc tế;

- Phát hiện, khai thác, chế biến các dược liệu mới và sử dụng mang lại hiệu quả tốt cho sức khỏe.

- Cải tiến, chế tạo các thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân;

4.6. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo:

- Mô hình phục vụ nhu cầu học tập, giải trí và vui chơi của học sinh, trẻ em và thanh thiếu niên;

- Chế tạo đồ dùng trong dạy học...khuyến khích các đồ dùng từ những vật dụng tái chế, dễ tìm và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý.

4.7. Cải cách thủ tục hành chính.

- Lĩnh vực cải tiến thủ tục, văn bản, sáng kiến kinh nghiệm liên quan đến cải cách thủ tục hành chính.

Điều 5. Tiêu chuẩn đánh giá giải pháp dự thi

Giải pháp dự thi được đánh giá theo 03 tiêu chuẩn sau đây:

5.1. Tính mới:

So với các giải pháp kỹ thuật đã được áp dụng phổ biến ở Việt Nam và không được trùng với các giải pháp kỹ thuật đã được công bố trong bất kỳ nguồn thông tin nào có ở Việt Nam hoặc đã được áp dụng ở Việt Nam trước ngày nộp hồ sơ.

5.2. Khả năng áp dụng rộng rãi (sử dụng) trong điều kiện kinh tế-kỹ thuật ở An Giang:

Giải pháp kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học dự thi đã được áp dụng hoặc đã được thử nghiệm (sản xuất thử) hoặc được chứng minh là có khả năng áp dụng có hiệu quả.

5.3. Hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường:

Mang lại lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường cao hơn so với các giải pháp kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học tương tự đã có ở Việt Nam, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, điều kiện sống và làm việc của con người và an ninh xã hội.

Điều 6. Hồ sơ dự thi

1. Hồ sơ dự thi được trình bày trên khổ giấy A4.

Hồ sơ dự thi được coi là hợp lệ nếu nội dung giải pháp, đề tài khoa học dự thi thuộc các lĩnh vực nêu tại Điều 4 của Thể lệ.

2. Hồ sơ gồm:

- Phiếu dự thi theo mẫu  (01 bộ)

- Bản mô tả giải pháp, đề tài dự thi theo mẫu (02 bộ), nội dung gồm:

Tên giải pháp kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học dự thi (ghi như tên đăng ký trong phiếu đăng ký dự thi);

Mô tả giải pháp kỹ thuật đã biết (nếu có), mô tả ngắn gọn các giải pháp kỹ thuật đã biết trước ngày tạo ra giải pháp dự thi, đặc biệt cần nêu rõ những nhược điểm cần khắc phục của các giải pháp đó;

Mô tả, thuyết minh tính mới của giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học dự thi ngắn gọn, nhưng đầy đủ và rõ ràng toàn bộ nội dung của giải pháp dự thi. Đặc biệt, cần nêu rõ những nhược điểm nào, sáng kiến cải tiến những chỉ tiêu nào của giải pháp kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học đã biết (nếu có) hoặc những sáng tạo hoàn toàn mới;

Khả năng áp dụng được chứng minh thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng sản xuất thử, hợp đồng bán hàng hoặc hóa đơn bán hàng;

Hiệu quả kinh tế của giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học dự thi là lợi ích trực tiếp có thể thu được do áp dụng giải pháp mới vào sản xuất, đời sống. Có tính toán kinh tế so với giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học cũ hoặc so với những giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học tương tự đã biết ở Việt Nam;

Hiệu quả kỹ thuật thể hiện bằng những chỉ tiêu kỹ thuật mới, tiến bộ hơn so với giải pháp kỹ thuật, đề tài khoa học đã biết trước đó;

Hiệu quả xã hội như cải thiện đời sống, nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ sức khỏe, điều kiện làm việc, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, ...

3. Toàn văn giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học dự thi: Cần nêu cụ thể quá trình từ khi bắt đầu thực hiện đến khi hoàn thành giải pháp, đề tài. Các tác giả gửi kèm theo mô hình, sản phẩm theo mẫu (01 bộ), có thể gồm: Mô hình, sản phẩm chế thử, sơ đồ công nghệ, các bản vẽ, hình ảnh, các tính toán minh họa, các tính toán liên quan khác.

Mọi tài liệu cần được trình bày rõ ràng, có thể viết tay hay đánh máy, không tẩy xóa. Hồ sơ dự thi sẽ không hoàn lại cho tác giả dù giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học đó có đoạt giải hay không đoạt giải.

Điều 7. Đánh giá giải pháp dự thi

Hội đồng Giám khảo do Ban Tổ chức Hội thi thành lập. Việc đánh giá được thực hiện bằng cách cho điểm từng tiêu chuẩn theo thang điểm do Ban Tổ chức Hội thi quy định.

Quyết định xếp giải cuối cùng thuộc thẩm quyền của Ban Tổ chức Hội thi.

Điều 8. Giải thưởng

Giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật có tối đa :

          01 hoặc 02 giải nhất, mỗi giải              15.000.000 đồng

          03 giải nhì, mỗi giải                              10.000.000 đồng

          05 giải ba, mỗi giải                                 7.000.000 đồng

          10 đến 15 giải khuyến khích , mỗi giải    3.000.000 đồng

Các tác giả đoạt giải được cấp giấy chứng nhận đoạt Giải Sáng tạo kỹ thuật và được tặng Biểu tượng của Ban Tổ chức Hội thi. Giải nhất và giải nhì được tặng Bằng khen của UBND tỉnh; các giải ba và các giải khuyến khích được Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh khen thưởng. Đồng thời, các tác giả đoạt giải nhất, nhì, ba còn được Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tặng bằng khen và huy hiệu (nếu tác giả cá nhân và tập thể đoạt Giải là CNVC và người lao động; là hội viên, đoàn viên thuộc các đoàn thể nói trên). Các giải pháp đoạt giải là nhóm tác giả thì mỗi cá nhân có đóng góp thực hiện giải pháp đó sẽ được nhận giấy khen và cúp lưu niệm từ Ban Tổ chức.

Ngoài ra, Ban Tổ chức Hội thi còn tặng giấy khen và đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen cho cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, phổ biến hoặc đơn vị có nhiều giải pháp dự thi đem lại hiệu quả cao.

Điều 9. Ban Tổ chức, Tổ Thư ký, Hội đồng Giám khảo

9.1. Ban Tổ chức Hội thi lần thứ X (2016-2017) bao gồm: Đại diện Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (làm Trưởng ban), Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Trường Đại học An Giang, Hiệp hội Doanh nghiệp, Đài Phát thanh-Truyền hình An Giang và Báo An Giang (do UBND tỉnh Quyết định).

9.2. Tổ Thư ký do Ban Tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ X (2016-2017) thành lập và có nhiệm vụ tổ chức triển khai các hoạt động của Hội thi trong toàn tỉnh.

9.3. Hội đồng Giám khảo gồm các chuyên gia và cán bộ khoa học - công nghệ thuộc các lĩnh vực dự thi, giúp Ban Tổ chức Hội thi trong việc xem xét, đánh giá giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học dự thi.

Điều 10. Tài chính

10.1. Kinh phí dành cho Hội thi được sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2016 và năm 2017.

10.2. Kinh phí Hội thi được chi cho các nội dung sau:

- Khen thưởng cá nhân, tập thể đoạt giải, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức tham gia Hội thi;

- Riêng các cá nhân và tập thể được Ban Tổ chức Hội thi đề nghị UBND tỉnh khen thưởng sử dụng kinh phí khen thưởng từ nguồn của Ban Thi đua khen thưởng tỉnh;

- Tổ chức triển khai các hoạt động khác của Hội thi.

Điều 11. Thời gian nhận hồ sơ dự thi và chấm thi

- Thời gian nhận Hồ sơ dự thi bắt đầu từ ngày công bố Thể lệ đến hết ngày 30/6/2017.

- Thời gian chấm thi và kết thúc 25/8/2017.

- Đề xuất các giải pháp, các đề tài nghiên cứu khoa học tham dự Hội thi toàn quốc lần thứ XIV vào tháng 8/2017.

- Lễ Tổng kết trong tháng 11/2017 và phát động Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ XI (2018-2019).

Hồ sơ đựng trong phong bì dán kín, ngoài bì thư ghi: HỒ SƠ THAM GIA HỘI THI SÁNG TẠO KỸ THUẬT TỈNH AN GIANG LẦN THỨ X (2016-2017)

và gửi Hồ sơ về địa chỉ:

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang

154A10, Hàm Nghi, p. Bình Khánh, tp. Long Xuyên, tỉnh An Giang

       Điện thoại: (0763).859.007          Fax: (0763). 957. 796

       Email: lhhangiang@yahoo.com.vn

Điều 12. Bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ

12.1. Hồ sơ được tiếp nhận, xem xét và lưu trữ như tài liệu mật cho đến ngày công bố kết quả, không để ảnh hưởng đến tính mới của giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học theo quy định bảo mật của nhà nước.

12.2. Việc tham gia dự thi không thay thế cho việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Khi phát hiện thấy bản thân giải pháp, đề tài cần được bảo hộ (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp...), Ban Tổ chức sẽ thông báo cho người dự thi để người dự thi có yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ liên hệ với Sở Khoa học & Công nghệ để được hướng dẫn lập hồ sơ thủ tục và sẽ được hỗ trợ về kinh phí.

12.3. Ban Tổ chức, Tổ Thư ký và Ban Giám khảo Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ X (2016-2017) có trách nhiệm bảo mật các hồ sơ dự thi cho đến khi công bố kết quả; Ban Tổ chức, Tổ Thư ký và Ban Giám khảo Hội thi không được tham gia dự thi.

Điều 13. Điều khoản thi hành:

Thể lệ này được Ban Tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ X (2016-2017) thông qua và có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định ban hành. Trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì chưa hợp lý, đề nghị phản ánh về Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang là cơ quan thường trực tổ chức Hội thi, tổng hợp trình Ban Tổ chức xem xét, sửa đổi cho phù hợp./.